KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG HÀN VI XÂM HẠI TRẺ EM

        Hiện nay, cùng với sự phát triển của xã hội thì tình trạng xâm hại tình dục trẻ em ngày càng tăng cao. Đây là nỗi lo lắng của các bậc phụ huynh, đặc biệt là các bậc phụ huynh có con nhỏ. Trẻ bị xâm hại tình dục không chỉ bị tổn hại nghiêm trọng về tinh thần, tâm lý, sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến tương lai của trẻ sau này. Chính vì vậy, các vị phụ huynh cùng bản thân con trẻ cần có những nhận thức và kỹ năng ứng phó để ngăn chặn tình trạng này.

        Biết được nhu cầu này của phụ huynh và trẻ em, Cục Cảnh sát hình sự thuộc Bộ Công an và Tổ chức UNODC (Cơ quan Phòng, chống Ma túy va Tội phạm của Liên hợp quốc) đã biên soạn tài liệu "Lực lượng cảnh sát với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em - Nhận thức và ứng phó", trong đó có những hướng dẫn về kỹ năng phòng chống hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em, cụ thể như sau:

      1. Kỹ năng nhận diện tội phạm, tự bảo vệ mình

      Thứ nhất, trẻ cần nhận biết và tìm cách di chuyển khỏi nơi vắng vẻ, biệt lập khi chỉ có mình và người khác giới. Những nơi này có thể là trong một căn nhà, căn phòng vắng, biệt lập; trong thang máy; ở cánh đồng, nương rẫy, cánh rừng vắng... mà khó có thể kêu gọi sự giúp đỡ từ người khác.

      Thứ hai, trẻ cần có thái độ cương quyết trước hành vi, lời nói sàm sỡ, tán tỉnh, gạ gẫm, cử chỉ đụng chạm. Sau đó nhanh chóng tìm cách thoát khỏi các đối tượng và la hét kêu gọi sự chú ý, giúp đỡ của người khác. 

       Thứ ba, tự mình phòng ngừa cũng như nhắc nhở, kêu gọi bạn bè xung quanh cùng phòng ngừa, cảnh giác trước hiện tượng "lòng tốt" của người khác mà chưa rõ nguyên nhân, như là tặng quà, rủ đi ăn, đi chơi, mời lên xe để chở về nhà, chở đến trường...

       Thứ tư, trẻ cần biết cách phân biệt cử chỉ thân mật, đúng mực với những cử chỉ sàm sỡ, quấy rối hoặc lợi dụng để xâm hại tình dục.

      2. Kỹ năng nhận biết nguy cơ

      Nguy cơ từ ánh nhìn: Đối tượng nhìn chằm chằm vào mình, nhìn vào vùng nhạy cảm...

      Nguy cơ từ lời nói: Buông lời lả lơi, thăm dò, gạ gẫm, nói về vấn đề tình dục...

     Nguy cơ từ sự đụng chạm: Đối tượng có hành động động chạm hoặc tỏ ra vô tình đụng chạm vào các phần nhạy cảm như ngực, đùi, mông, vùng kín...

      Nguy cơ từ sự bắt cóc, cưỡng ép: Đưa đến nơi hoang vắng như bãi đất trống, nhà bỏ hoang...

     Việc nghiên cứu, phổ biến các kiến thức, kỹ năng phòng tránh xâm hại tình dục là vô cùng cần thiết và góp phần nâng cao ý thức phòng tránh của trẻ em, giúp các em có thêm nền tảng để tự bảo vệ chính mình và bảo vệ bạn bè trong bối cảnh xã hội hiện đại ngày nay.

                                                                                                                     Tin bài: Tổ tư vấn học đường

Nội dung khác

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Ý KIẾN PHẢN HỒI

MỌI Ý KIẾN PHẢN ÁNH VUI LÒNG LIÊN HỆ:

HOTLINE :

EMAI : c2.lat.chn@hoabinh.edu.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay : 0
Hôm qua : 107
Tất cả : 4771