TỰ HÀO NGHỀ GIÁO!

 

                                                                    Nhớ hết thảy thời gian theo năm tháng,

                                                                    Người "kỹ sư" gieo hạt giống cho đời.

                                                                    Vì em thơ đã đi khắp muôn nơi,

                                                                    Đường hạnh phúc...Ơn thầy cô mãi mãi!

          Mỗi khi đọc những câu thơ này trong bài thơ “Người ươm hạt cho đời” của tác giả Đức Triển, lòng tôi lại trào dâng một cảm xúc khó tả, cảm xúc tự hào về nghề mình đã lựa chọn – nghề dạy học.

         Ở Việt Nam chúng ta có hai nghề được sớm đặc biệt coi trọng: nghề thầy thuốc và nghề dạy học. Một nghề nắm sinh mạng quyết định sự sống, chết của con người. Một nghề nắm “phần hồn”, quyết định đến sự phát triển nhân cách của con người. Hai nghề ấy, ngay từ bài học nhập môn, người học đã được học cái đức của nghề. Nói “Lương y như từ mẫu”, “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” là người xưa muốn dạy cho người học: Thầy thuốc như mẹ hiền, và: Học và dạy một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy. Cũng bởi cái lẽ đó mà “Nghề dạy học” đã được vinh danh là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý!

          Dù biết nghề dạy học sẽ có nhiều gian nan, vất vả. Song, không vì thế mà những người thầy nản bước. Bởi phía trước họ là một con đường dù có vất vả, gian nan nhưng mà con đường đó là một con đường hạnh phúc - con đường của tri thức của nghiệp chèo đò. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng họ luôn cố gắng để vượt lên tất cả để làm đúng trách nhiệm và bổn phận của một người thầy. Và cứ thế những hạnh phúc, những niềm vui nho nhỏ của nghề dạy học cứ đến và đi bất chợt…Hiện nay, những người thầy  vẫn phải đối diện với rất nhiều  áp lực từ nhiều phía. Nhưng vượt lên tất cả là bổn phận và trách nhiệm của một người thầy vì sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.

Hằng ngày bước vào lớp, nhìn những khuôn mặt ngây thơ của các em học sinh, những ánh mắt háo hức, chờ đợi bài học mới, lòng tôi lại xốn xang đến lạ. Hai mươi năm trong nghề, khoảng thời gian chưa phải là nhiều nhưng cũng đủ cho tôi cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Tôi hạnh phúc khi thấy học sinh chăm chú học bài, tôi hạnh phúc khi các em nhắc đến tên mình trong bài văn của các em, tôi hạnh phúc khi được đặt bút ghi điểm cao cho các em, tôi hạnh phúc  khi các em ra trường rồi mà vẫn nhớ đến mình. Hạnh phúc của nghề dạy học là thế đó! Không khoa trương, to tát nhưng cũng đủ làm tôi cảm thấy mình như người không có tuổi.

Người thầy giáo dạy học trò của mình đâu phải chỉ có dạy kiến thức, quan trọng hơn là dạy cách làm người. Cái khác của nghề dạy học so với nghề khác, là phải tác động vào con người, vào tâm và trí. Bởi vậy thầy phải yêu trò như con mình và trò phải kính trọng thầy như cha mình. Người thầy làm sao cố gắng tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của các em. Tìm hiểu các em đang nghĩ gì, đang vui gì, đang buồn gì và đang mơ ước những gì. Đó cũng là nỗi niềm trăn trở của nhiều thế hệ nhà giáo.  

                                                                                                                                    Giáo viên: Quách Thị Nguyệt

 

 

 

 

 

Nội dung khác

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

Ý KIẾN PHẢN HỒI

MỌI Ý KIẾN PHẢN ÁNH VUI LÒNG LIÊN HỆ:

HOTLINE :

EMAI : c2.lat.chn@hoabinh.edu.vn

LIÊN KẾT WEBSITE

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Hôm nay : 71
Hôm qua : 59
Tất cả : 14278